Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Phong tục lấy lửa tết

Nếu dừng chân ở Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vào đúng đêm giao thừa, bạn sẽ được đắm mình trong lễ đón Tết độc đáo, rất văn hóa, vô cùng ấn tượng của dân làng là lễ xin lửa Thánh
Từ Hà Nội đi theo đường cao tốc Quốc lộ 1 tới Nam Định, rẽ vào Quốc lộ 10 men theo sông Sắt là tới một cụm làng nghề cổ sầm uất thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, xưa gọi chung là Tổng Đặng, với Phúc Chỉ chuyên xây dựng đền chùa, Tống Xá chuyên đúc đồng, La Xuyên chuyên đồ gỗ và Cát Đằng chuyên đồ thờ. Nếu dừng chân ở Cát Đằng vào đúng đêm giao thừa, bạn sẽ được đắm mình trong lễ đón Tết độc đáo, rất văn hóa, vô cùng ấn tượng của dân làng này, đó là lễ xin lửa Thánh.
Chiều 30 Tết, khi mọi người trong gia đình bận rộn dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ nhà cửa, dựng cây nêu đuổi tà ma, dỡ nồi bánh chưng, làm cơm cúng trời đất và gia tiên... thì các thanh niên trai tráng lại dành nhiều thời gian cho một công việc hệ trọng là làm đuốc. Họ chọn thanh gỗ dài và chắc, lại vừa tay cầm để làm cán, đầu cán cắm que sắt chắc chắn, trên đầu que sắt quấn vải tẩm dầu hỏa.
Đến gần giao thừa, một số thanh niên khỏe mạnh trong làng khênh một chiếc kiệu đẹp có trang trí hoa, rước người Tế chủ ra đình làng. Người được bình chọn là Tế chủ phải là người cao niên nhưng có vợ còn sống khỏe mạnh, cả hai vợ chồng đều sống đức độ, con cái phương trưởng, biết làm kinh tế tạo ra đời sống khá giả, các thành viên trong gia đình không có ai vi phạm chính sách và pháp luật.

Tới đình làng thì hạ kiệu. Lúc này cũng là lúc các thanh niên của mọi gia đình trong làng đã tề tựu đông đúc ở sân đình. Vị Tế chủ trịnh trọng bước lên thềm mở cửa đình, đúng giờ giao thừa thắp hương lễ Thánh. Sau đó, Tế chủ lấy lửa hương đó đưa vào một vạc đựng dầu để ở sân đình, mở đầu cho lễ xin lửa của Thánh. Lửa ở vạc dầu bừng lên sáng sân đình. Các trai làng ồn ào chen vai thích cánh quanh vạc dầu, tranh nhau đưa cây đuốc của mình vào lấy được lửa rồi giơ cao đuốc lửa đó, tỏa vội ra các ngõ xóm, chạy thật nhanh về nhà mình, bằng lửa đó thắp hương ở bàn thờ Phật cùng bàn thờ gia tiên và nhóm lửa đó ở bếp gia đình, đồng thời cầm đuốc lửa khua khắp nhà để đuổi những xúi quẩy của năm trước.
Đêm 30 Tết tối đen như mực, nhưng khi ấy, dù đã lâu không còn tiếng pháo chào đón giao thừa nhưng khắp đường làng của thôn Cát Đằng râm ran tiếng nói cười và lửa của các cây đuốc di động bập bùng trong gió xuân đã tạo ra một khung cảnh đẹp làm vui vẻ cả làng, mở đầu cho năm mới, rộn ràng lòng người. Lửa này xin của Thánh được các gia đình luôn giữ không để tắt trong suốt 4 ngày Tết ở  bàn thờ và ở bếp nhà dù bây giờ đời sống khá giả, nhiều nhà đã dùng bếp ga là chính.
Gia đình nào có con lấy được lửa Thánh đưa về nhà nhanh nhất, sớm nhất làng thì được coi như cả năm đó “đỏ” nhất, tức là gặp may mắn nhất trong cuộc sống. Còn những gia đình chỉ có ông bà già, không có thanh niên đi lấy lửa thì hàng xóm láng giềng đem lửa của nhà mình  lấy từ đình làng, mang đến xông nhà mừng tuổi cho gia đình neo đơn này để có lửa Thánh thắp hương bàn thờ và nổi lửa ở bếp trong 4 ngày Tết.
Còn người được suy tôn là Tế chủ, sau nhiệm vụ mở cửa đình mở màn lễ xin lửa Thánh cho dân làng, sẽ được giao trọng trách là Tế chủ cả năm đó mỗi khi làng có công việc tại đình làng.
Tục truyền, lễ xin lửa này có từ đời vua Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng từ Hoa Lư cách Cát Đằng 20 km, kéo quân về đây tập trận. Sau đó, dân làng tôn Đinh Tiên Hoàng là Thánh và thờ tại đình của làng. Lễ xin lửa Thánh này là để tri ân công lao khai mở đất nước của Đinh Tiên Hoàng. Từ đó, lễ xin lửa Thánh vẫn được duy trì bền vững cho đến ngày nay, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của một làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét