Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may

Hằng năm, cứ đến Ngày Thần Tài (10/1 âm lịch), các cửa hàng bán vàng bạc lại nhộn nhịp khách đến trao đổi, mua bán. Người dân quan niệm rằng, mua vàng trong ngày này, cả năm gia đình sẽ gặp may mắn, công việc thuận lợi.
Theo ghi nhận của phóng viên, hôm nay, tại cửa hàng vàng bạc Bảo Tín Minh Châu và cửa hàng vàng Phú Quý trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội đông nghẹt khách đến mua, bán. Người dân đã phải xếp hàng dài (khoảng 20m) từ vỉa hè trước cửa hàng vào đến quầy giao dịch. Lực lượng bảo vệ của cửa hàng vàng đã được huy động tối đa bảo vệ khách mua hàng, tránh tình trạng chen lấn, trộm cắp xảy ra.
Nhiều người dân để mua được vàng đã phải xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ, thậm chí có một số người chờ hết cả buổi sáng vẫn chưa mua được vàng. Giao thông ở gần khu vực này ùn tắc, hỗn loạn. Lực lượng công an phường phải túc trực để phân luồng giao thông.
Đứng chen chân trong dãy hàng chờ mua vàng ở cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, bà Hoàng Thị Liên, 47 tuổi, ở phường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho biết, bà đến xếp hàng từ lúc 9h sáng nhưng đến 12h trưa vẫn không mua được vàng. Do vậy, buổi chiều bà phải đi từ 1h để tiếp tục chờ mua vàng.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Thần Tài, tôi lại đi mua vàng về tích trữ lấy may cho gia đình. Năm nay, tôi dự định mua nhẫn loại 2 chỉ về cất giữ trong nhà”, bà Liên chia sẻ.
Anh Trần Nhật Nam, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh vàng trao đổi của cửa hàng Bảo Tín Minh Châu cho biết, buổi sáng cửa hàng mở cửa từ 8h, tuy nhiên, ngay từ sáng sớm đã có rất nhiều khách hàng đến trước giờ mở cửa để chờ mua vàng. Người dân chủ yếu mua vàng loại 5 phân đến 1 chỉ, còn lại số ít mua dây chuyền, lắc tay… Cửa hàng sẽ trao đổi, mua bán vàng bạc đến khi hết khách.
Do số lượng khách đến đông, nhân viên của cửa hàng đã thu tiền, ghi phiếu và hẹn khách hàng ngày hôm sau đến lấy vàng. Một số khách phải chờ lâu cũng được nhân viên của cửa hàng mời nước và bánh ngọt.
“Ngày Thần Tài năm nay, lượng khách đến mua bán, trao đổi vàng tăng gấp 5 đến 7 lần so với năm 2013”, anh Nam nói.
Theo Anh Nam, do Ngày Thần Tài chỉ có một ngày (10/1 âm lịch) nên người dân đổ xô đi mua đông vì tin rằng mua vàng ngày hôm đó gia đình họ sẽ gặp may mắn trong cả năm. Sang đến ngày mai (11/1), việc giao dịch chắc sẽ trở lại bình thường.
Một số hình ảnh phóng viên ghi lại ở các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông:
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 1
 Do lượng khách đông, nhiều người đã phải xếp thành hàng dài từ vỉa hè vào đến trong cửa hàng vàng
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 2
Bà Hoàng Thị Liên (giữa), 47 tuổi, ở phường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho biết, bà mua nhẫn vàng loại 2 chỉ nhân Ngày Thần Tài để lấy may
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 3
 Trước các cửa hàng vàng đều có "Thần Tài" đứng chào khách
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 4
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 5
Người chờ mua vàng đứng chen chúc bên trong cửa hàng Bảo Tín Minh Châu
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 6
 Khách đến mua vàng phần lớn chọn vàng loại 5 phân đến 1 chỉ
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 7
Phần lớn người dân đều chọn mua nhẫn vàng
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 8
Lắc tay bằng vàng cũng được nhiều người chọn mua
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 9
 Khách đến đông, nhân viên của cửa hàng đã thu tiền, ghi phiếu và hẹn khách ngày mai quay lại lấy vàng hoặc nhân viên cửa hàng sẽ mang đến tận nhà
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 10
 Cửa hàng vàng Phú Quý trên phố Trần Nhân Tông, khách cũng nườm nượp đến mua vàng
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 11
 Bên trong cửa hàng, người dân đứng đợi mua vàng chật cứng
HN: Hàng nghìn người chen lấn mua vàng cầu may - 12
Bảng giá vàng mua bán, trao đổi tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Mùng 7 tết, phương tiện giao thông đi qua chợ Viềng như thế nào?

 Lễ hội chợ Viềng (Nam Định) năm nào cũng vậy, số lượng phương tiện giao thông tăng cao đột biến. Chính vì vậy, từ 9h30 sáng mùng 7 Tết (ngày 6/2), các phương tiện đi 2 chiều Bắc - Nam đều không đi trên tuyến QL10 qua Nam Định.

Giao thông chợ Viềng thách thức lực lượng CSGT nhiều năm nay. (Ảnh minh họa)
Giao thông chợ Viềng "thách thức" lực lượng CSGT nhiều năm nay. (Ảnh minh họa) 
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Luân - Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (CA tỉnh Nam Định) - cho biết, để giảm áp lực giao thông qua chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Định), kế hoạch hướng dẫn phân luồng giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông chiều Bắc - Nam và ngược lại đi qua thị trấn Gôi (lối rẽ vào chợ Viềng) sẽ được hướng dẫn phân luồng như sau:
Bắt đầu từ 9h30 sáng mùng 7 Tết (6/2), các phương tiện tham gia giao thông theo hướng Nam - Bắc đến Ninh Bình đi thẳng quốc lộ 1A hoặc đi theo đường cao tốc về Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) mà không đi theo tuyến quốc lộ 10 qua thị trấn Gôi (chợ Viềng). Từ Phủ Lý có thể tiếp tục đi đến các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng… theo hướng quốc lộ 21A.
Ngược lại, các phương tiện giao thông đi hướng Bắc - Nam đi theo quốc lộ 21A đi lên Phủ Lý (Hà Nam) rồi theo quốc lộ 1A hoặc đi cao tốc.
Theo Đại tá Trần Luân, để đảm bảo huyết mạch giao thông trên đường cao tốc mới tuyến từ Cẫu Giẽ - Ninh Bình, Phòng CSGT CA tỉnh Nam Định đã chủ động phối hợp với Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) để làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trên đường cao tốc.
Ngoài ra, Phòng CSGT CA tỉnh Nam Định cũng phối hợp với các lực lượng CSGT CA tỉnh Hà Nam, Ninh Bình để tiến hành phân luồng giao thông trên các tuyến quốc lộ.
Để đảm bảo an toàn cho du khách tham gia lễ hội chợ Viềng, theo phân công của ban Giám đốc CA tỉnh Nam Định, lực lượng CA huyện Vụ Bản (Nam Định) và các phòng ban khác của CA tỉnh sẽ làm nhiệm vụ giữ gìn bảo đảm ANTT vòng trong.
Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67, CA tỉnh Nam Định), làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT cho các phương tiện tham gia giao thông qua tỉnh Nam Định trên 2 tuyến quốc lộ chính là quốc lộ 10 và quốc lộ 21.
Theo Đại tá Luân, đặc điểm của tuyến quốc lộ 10 là quốc lộ cấp 3, vùng đồng bằng, mặt đường chỗ rộng nhất là 17m và chỗ hẹp nhất là 11m nhưng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ này của 2 chiều Bắc - Nam là cực kì lớn.
Giao thông chợ Viềng thách thức lực lượng CSGT nhiều năm nay. (Ảnh minh họa)
Chợ Viềng "mua may, bán đắt" vào đêm mùng 7 Tết hàng năm. Giao thông ở đây gần như năm nào cũng bị ách tắc kéo dài hàng km.
Để đề phòng việc tắc đường trên tuyến quốc lộ này, Phòng CSGT CA tỉnh Nam Định ngoài việc phối hợp với lực lượng CSGT các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam còn huy động khoảng 170 chiến sĩ CSGT của phòng và lực lượng CSGT của 10 huyện, thành phố cùng với các chiến sĩ CSCĐ, CSTT sẽ cắm chốt và tuần tra liên tục từ địa phận tiếp giáp với Ninh Bình và hết tỉnh Nam Định.
Đại tá Luân cho biết, hiện nay mặc dù du khách đã và đang đổ về các lễ hội ở Nam Định là rất lớn. Tuy nhiên từ nhiều ngày nay, lực lượng CSGT CA tỉnh Nam Định vẫn bám trụ tại các chốt và tiến hành tuần tra các khu vực trọng điểm từ Ninh Bình về dọc theo các tuyến quốc lộ, hoạt động của các phương tiện vẫn diến ra bình thường.
“Nhưng theo quy luật của hàng năm thì bắt đầu từ 9h sáng ngày 7 Tết, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông mới bắt đầu tăng cao. Tất cả các phương án dự báo đều được đưa vào để triển khai bảo đảm ATGT nhưng khả năng tắc đường vẫn đang “rình rập” và có nguy cơ cao”, Đại tá Luân cho hay.

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Phong tục lấy lửa tết

Nếu dừng chân ở Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vào đúng đêm giao thừa, bạn sẽ được đắm mình trong lễ đón Tết độc đáo, rất văn hóa, vô cùng ấn tượng của dân làng là lễ xin lửa Thánh
Từ Hà Nội đi theo đường cao tốc Quốc lộ 1 tới Nam Định, rẽ vào Quốc lộ 10 men theo sông Sắt là tới một cụm làng nghề cổ sầm uất thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, xưa gọi chung là Tổng Đặng, với Phúc Chỉ chuyên xây dựng đền chùa, Tống Xá chuyên đúc đồng, La Xuyên chuyên đồ gỗ và Cát Đằng chuyên đồ thờ. Nếu dừng chân ở Cát Đằng vào đúng đêm giao thừa, bạn sẽ được đắm mình trong lễ đón Tết độc đáo, rất văn hóa, vô cùng ấn tượng của dân làng này, đó là lễ xin lửa Thánh.
Chiều 30 Tết, khi mọi người trong gia đình bận rộn dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ nhà cửa, dựng cây nêu đuổi tà ma, dỡ nồi bánh chưng, làm cơm cúng trời đất và gia tiên... thì các thanh niên trai tráng lại dành nhiều thời gian cho một công việc hệ trọng là làm đuốc. Họ chọn thanh gỗ dài và chắc, lại vừa tay cầm để làm cán, đầu cán cắm que sắt chắc chắn, trên đầu que sắt quấn vải tẩm dầu hỏa.
Đến gần giao thừa, một số thanh niên khỏe mạnh trong làng khênh một chiếc kiệu đẹp có trang trí hoa, rước người Tế chủ ra đình làng. Người được bình chọn là Tế chủ phải là người cao niên nhưng có vợ còn sống khỏe mạnh, cả hai vợ chồng đều sống đức độ, con cái phương trưởng, biết làm kinh tế tạo ra đời sống khá giả, các thành viên trong gia đình không có ai vi phạm chính sách và pháp luật.

Tới đình làng thì hạ kiệu. Lúc này cũng là lúc các thanh niên của mọi gia đình trong làng đã tề tựu đông đúc ở sân đình. Vị Tế chủ trịnh trọng bước lên thềm mở cửa đình, đúng giờ giao thừa thắp hương lễ Thánh. Sau đó, Tế chủ lấy lửa hương đó đưa vào một vạc đựng dầu để ở sân đình, mở đầu cho lễ xin lửa của Thánh. Lửa ở vạc dầu bừng lên sáng sân đình. Các trai làng ồn ào chen vai thích cánh quanh vạc dầu, tranh nhau đưa cây đuốc của mình vào lấy được lửa rồi giơ cao đuốc lửa đó, tỏa vội ra các ngõ xóm, chạy thật nhanh về nhà mình, bằng lửa đó thắp hương ở bàn thờ Phật cùng bàn thờ gia tiên và nhóm lửa đó ở bếp gia đình, đồng thời cầm đuốc lửa khua khắp nhà để đuổi những xúi quẩy của năm trước.
Đêm 30 Tết tối đen như mực, nhưng khi ấy, dù đã lâu không còn tiếng pháo chào đón giao thừa nhưng khắp đường làng của thôn Cát Đằng râm ran tiếng nói cười và lửa của các cây đuốc di động bập bùng trong gió xuân đã tạo ra một khung cảnh đẹp làm vui vẻ cả làng, mở đầu cho năm mới, rộn ràng lòng người. Lửa này xin của Thánh được các gia đình luôn giữ không để tắt trong suốt 4 ngày Tết ở  bàn thờ và ở bếp nhà dù bây giờ đời sống khá giả, nhiều nhà đã dùng bếp ga là chính.
Gia đình nào có con lấy được lửa Thánh đưa về nhà nhanh nhất, sớm nhất làng thì được coi như cả năm đó “đỏ” nhất, tức là gặp may mắn nhất trong cuộc sống. Còn những gia đình chỉ có ông bà già, không có thanh niên đi lấy lửa thì hàng xóm láng giềng đem lửa của nhà mình  lấy từ đình làng, mang đến xông nhà mừng tuổi cho gia đình neo đơn này để có lửa Thánh thắp hương bàn thờ và nổi lửa ở bếp trong 4 ngày Tết.
Còn người được suy tôn là Tế chủ, sau nhiệm vụ mở cửa đình mở màn lễ xin lửa Thánh cho dân làng, sẽ được giao trọng trách là Tế chủ cả năm đó mỗi khi làng có công việc tại đình làng.
Tục truyền, lễ xin lửa này có từ đời vua Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng từ Hoa Lư cách Cát Đằng 20 km, kéo quân về đây tập trận. Sau đó, dân làng tôn Đinh Tiên Hoàng là Thánh và thờ tại đình của làng. Lễ xin lửa Thánh này là để tri ân công lao khai mở đất nước của Đinh Tiên Hoàng. Từ đó, lễ xin lửa Thánh vẫn được duy trì bền vững cho đến ngày nay, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của một làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ.